Hiếm muộn tại vợ hay chồng?

Các bạn thông thái thể nào cũng cười khẩy vào câu hỏi này của tôi. Thời nào rồi mà còn đổ lỗi cho phụ nữ không biết sinh con. Nhưng câu chuyện lạc hậu này, đáng tiếc vẫn tồn tại, và đặc biệt nặng nề ở những vùng quê.

Một đồng nghiệp làm ở khoa cấp cứu kể, mấy hôm trước vừa phải xử lý một ca tự tử bằng thuốc trừ sâu vì lấy chồng 3 năm mà chưa có con. Gia đình chồng nói nhiều quá, anh chồng cũng đổ vợ mình “tịt”, định đi kiếm ngoài. Cùng quẫn, người phụ nữ tìm đến cách giải quyết tiêu cực nhất.

Trên thực tế, chỉ có khoảng một phần ba trường hợp vô sinh là do phụ nữ trong khi một phần ba trường hợp khác, vô sinh là do người đàn ông. Các trường hợp còn lại chia đều cho các yếu tố cộng hưởng của cả vợ và chồng, chưa kể còn có nhiều yếu tố chưa xác định khác như môi trường, công việc v.v…

Nói thêm chút về vụ vô sinh ở nam:

Nguyên nhân gây vô sinh nam thường là do trục trặc ở quá trình sinh tinh trùng: sản xuất quá ít tinh trùng hoặc vô tinh, hình dạng hoặc cấu trúc tinh trùng bất thường…

Thông tin hơi buồn là ngày nay, với nhịp sống quá nhiều sức ép và hơi ít hoạt động, xác suất bệnh nhân nam vô sinh khá cao. Cũng đừng tưởng đàn ông vẻ ngoài ốm, nhỏ thì dễ vô sinh, ở các phòng khám nam khoa, không thiếu nhất chính là những người cao to lực lưỡng.

Nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới được chia ra hai thể, nguyên phát hoặc thứ phát.

– Nguyên phát: nghĩa là người đàn ông được sinh ra đã có sẵn những vấn đề bất thường về tinh trùng;

– Thứ phát: chính là những bất thường phát sinh trong cuộc sống do bệnh tật hoặc chấn thương hoặc một nguyên nhân nào khác.

Trong vòng 1 năm vợ chồng không áp dụng biện pháp tránh thai mà chưa có thai, ngoài việc đi khám xét các chức năng sinh sản của vợ, người chồng cũng bắt buộc phải đi làm tinh dịch đồ. Đây là xét nghiệm đơn giản nhất và tương đối chính xác để đánh giá sơ bộ sức khỏe sinh sản của nam giới.

Xét nghiệm này có thể đánh giá một số thông số chính:

– Số lượng tinh trùng

– Mật độ tinh trùng

– Thể tích xuất tinh

– % tinh trùng bình thường

– Khả năng di chuyển tiến tới của tinh trùng, …

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để giảm thiểu sai số khi đánh giá tinh dịch đồ, bệnh nhân nên làm ít nhất 2 lần xét nghiệm khác nhau.

Tóm lại, các anh có đến 1/3 nguy cơ trong vụ muộn con đấy. Đừng vội sĩ diện mà đổ vấy hết cho vợ. Cũng đừng quá căng thẳng. Bởi ngay cả khi tinh dịch đồ có vấn đề, hoặc vấn đề thuộc về vợ, thì vẫn còn rất nhiều cách để các cặp hiếm muộn có thể có con. Vấn đề là phải lạc quan lên, và ngưng đổ lỗi!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0915.510.060 Đặt lịch thăm khám