Các dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu nên biết
Những tháng cuối thai kỳ, các mẹ bầu đều có chung một cảm giác hồi hộp, lo âu chào đón con yêu. Trong những tuần cuối của thai kỳ, mẹ bầu nên theo dõi kỹ những thay đổi của cơ thể để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển dạ kịp thời. Dưới đây là 6 dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu nên biết:
1. Chuyển dạ giả, tụt bụng
Là quá trình thay đổi cổ tử cung để đáp ứng với các cơn gò liên tục, sự xóa mở cổ tử cung chịu ảnh hưởng bởi nồng độ các kích thích tố nội tiết tố, thần kinh và các yếu tố cơ học khác. Vào những tuần lễ cuối thai kỳ dưới tác dụng cơn gò Braxton-Hicks làm cho sản phụ có cơn gò tử cung nhẹ, gây đau trằn bụng dưới thoáng qua, gọi là chuyển dạ giả giúp hình thành đoạn dưới tử cung, thai nhi bình chỉnh ngôi và đi vào khung chậu, người mẹ có hiện tượng đau trên xương mu, bụng tụt xuống vài centimet dân gian gọi là bụng “sụt” tức là gần tới giai đoạn sắp sinh. Tử cung đè lên bàng quang kích thích sản phụ đi tiểu nhiều lần trong ngày, đau vùng hông lưng, vùng mông, có một số trường hợp gây đau khớp háng, nên sản phụ đi lại khó khăn ngủ ít, ăn ít, lo lắng,…
2. Sự xóa cổ tử cung
Dưới tác dụng của cơn co tử cung làm co rút các thớ cơ dọc kéo lỗ trong cổ tử cung lên trên khiến cổ tử cung ngắn lại dần.
3. Sự mở cổ tử cung
Dưới tác dụng cơn co tử cung, áp lực trong buồng ối tăng lên, làm cho màng ối căng phồng nong cổ tử cung làm cho cổ tử cung mở rộng dần dần, cơn co tử cung sẽ thúc thai nhi đi vào khung chậu làm cho cổ tử cung mở thêm ra.
Thời gian chuyển dạ thay đổi tùy từng người và chịu ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau, trung bình người con so kéo dài 16-24 giờ, con rạ từ 8 đến 16 giờ. Có một câu trong dân gian rât dễ nhớ sản phụ vào phòng sanh “không thấy mặt trời 2 lần”.
4. Tăng tiết dịch âm đạo
Gần đến ngày sinh, âm đạo sẽ tiết ra nhiều dịch nhầy. Khi nhận thấy âm đạo ra dịch nhầy hay dịch màu đỏ, hồng hay đỏ sẫm, bạn nên báo cho bác sĩ tiến hành thăm khám độ mở của tử cung và tư vấn thời điểm sinh thích hợp.
5. Các cơn co tử cung khi vào chuyển dạ
Cơn co tử cung khi vào chuyển dạ gây đau, xảy ra ngoài ý muốn của sản phụ, xảy ra nhịp nhàng, đều đặn, tăng dần về cường độ và thời gian co cơ. Lúc mới bắt đầu chuyển dạ cơn gò nhẹ và thưa, mỗi 10 phút sẽ có 3 cơn gò, Khi vào giai đoạn hoạt động của chuyển dạ cơn gò nhiều hơn, mạnh hơn, lâu hơn, mỗi cơn co lâu khoảng 45 giây và khoảng cách từ 1 đến 2 phút. Khi cổ tử cung mở trọn khoảng 10 cm đầu thai nhi xuống thấp tựa vào cơ nâng hậu môn tầng sinh môn và trực tràng kích thích sản phụ mót rặn, cơ bụng co thắt lại làm tăng áp lực ổ bụng giúp đẩy thai ra ngoài.
6. Vỡ ối
Khi ở trong bụng mẹ, bé nằm trong một túi dịch lỏng gọi là túi nước ối. Vào những tuần lễ cuối thai kỳ túi nước ối có thể bị rò rỉ hoặc bị vỡ, một chất dịch lỏng sẽ chảy từ từ hoặc chảy ồ ạt ra khỏi âm đạo. Tùy theo tuần tuổi thai, thời gian ối vỡ, độ xóa – mở cổ tử cung bs chuyên khoa sản sẽ chọn giải pháp chấm dứt thai kỳ phù hợp.
Khi nhận thấy các dấu hiệu trên, mẹ bầu cần mang theo các vật dụng cần thiết đã chuẩn bị sẵn trong giỏ đồ đi sinh và đến bệnh viện, sẵn sàng để chào đón con yêu. Ngoài việc chuẩn bị sữa dự phòng cho con, mẹ còn cần chuẩn bị các loại giấy tờ, quần áo cho mẹ và bé, đồ dùng vệ sinh, khăn và tã cho con…