Bà bầu nên lưu ý gì khi tiểu đường thai kỳ?

Tiểu đường thai kỳ thực là một câu chuyện thời đại chứ chả đùa. Theo thống kê cứ 7 phụ nữ mang thai thì lại có 1 người bị tiểu đường thai kỳ. Có lẽ vì nó phổ biến quá mà nhiều mẹ khá chủ quan. “Đẻ xong nó hết ấy mà”! Người ta an ủi nhau thế! Thực ra nó chả hết dễ thế đâu nếu ta cứ không coi nó ra gì.

Tiểu đường thai kỳ cũng giống như bệnh tiểu đường, nó là hậu quả của quá trình rối loạn dung nạp glucose. Thường loại bệnh thời vụ này sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh, nhưng với một số người nó có tính phá hoại cực kỳ nghiêm trọng.

  • Đối với mẹ: tiểu đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non… tóm lại là có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Chưa kể còn dễ bị tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận… Họ cũng dễ bị béo phì, tăng cân quá mức sau sinh. Về lâu dài, nếu không được điều trị triệt để và thay đổi lối sống, những người này sẽ trở thành đội quân dự bị có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường typ 2.
  • Đối với con: Bệnh này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.

Chưa hết, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, con còn có 20% nguy cơ bị hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp (nguyên nhân gây tử vong hàng đầu chiếm tỷ lệ 30% ở trẻ sơ sinh của các thai kỳ có đái tháo đường. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 10% nhờ có các phương tiện đánh giá độ trưởng thành phổi của thai nhi).

Về lâu dài, trẻ bị ảnh hưởng tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao sẽ bị béo phì, khi lớn dễ bị mắc bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn tâm thần – vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.

Nói chung, tuy hậu quả hung hăng nhưng tiểu đường thai kỳ lại tương đối dễ trị nếu được theo dõi cẩn thận. Hiện nay, trong các phác đồ sản khoa, có 3 phương pháp điều trị phổ biến là: Thay đổi chế độ ăn, luyện tập đúng cách và cuối cùng là thuốc.

Cho nên, việc một thai phụ có kiểm soát được mức độ nghiêm trọng của tiểu đường thai kỳ hay không, phần lớn do “tự”, phần nhỏ mới phải phụ thuộc vào bệnh viện. Tin mừng đây: 70-85% bệnh nhân tiểu đường thai kỳ có thể điều chỉnh mức đường huyết trở về bình thường bằng thay đổi chế độ ăn mà không cần dùng thuốc.

Theo đó, các bệnh nhân bị bệnh này nên ăn chia thực đơn thành nhiều bữa nhỏ, đừng ăn quá nhiều ở một bữa gây tăng đường huyết sau ăn và hạ đường huyết khi xa bữa ăn. Lý tưởng là ngoài 3 bữa chính có thể thêm từ 2-3 bữa phụ.

Những thứ nên ăn gồm: thịt nạc, cá nạc, đậu, sữa chua không đường, sữa không béo và không đường, gạo lứt, các loại đậu, rau xanh, củ quả, cà chua, dầu oliu và ăn các loại trái cây ít có vị ngọt.

Những thứ nên kiêng gồm: Bánh kẹo, trái cây ngọt, kem, chè…, nước ép trái cây ngọt, nước có ga, nước đóng sẵn có chứa hương liệu…, thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối như: thịt khô, mì gói, xúc xích, đồ ăn đóng hộp….

Tinh bột nên ăn hạn chế.

Giảm ăn các thực phẩm nhiều chất béo như: Lòng đỏ trứng, bơ, đồ rán chiên xào, phủ tạng động vật…

Hạn chế đồ uống có chứa cồn, chất kích thích như rượu, bia, chè, cà phê…

Mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút để tập luyện. Bởi vì việc vận động sẽ giúp tiêu hao năng lượng dư thừa giúp giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và ổn định đường huyết.

Khi đã áp dụng chế độ ăn hợp lý nhất và những bài tập luyện phù hợp nhất mà những phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ vẫn chưa kiểm soát tốt đường huyết của mình thì bạn sẽ được bác sĩ khuyên dùng thuốc./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0915.510.060 Đặt lịch thăm khám