Bà bầu bị ho kéo dài nên làm thế nào?
Vào mùa này, ở phòng chờ khoa sản thường lan truyền rất nhiều bài thuốc dân gian chữa ho do chính các bà bầu tự truyền cho nhau. Đông tây y massage bấm huyệt cạo gió… đại ý không thiếu một món nào. Một bệnh nhân khoe, nguyên nửa tủ lạnh nhà em chỉ dùng để trữ thuốc ho tự chế. Từ mật ong chanh đào, nghệ mật ong, quất ngâm đường phèn đến cam nướng, lá hẹ, hoa hồng bạch v.v…
Có người bảo: uống không ăn thua, phải dùng điếu ngải hơ huyệt dũng tuyền, ngâm chân nước gừng, bôi dầu nóng vào cổ…
Thực ra, người bình thường bị ho kéo dài hầu hết là do hút thuốc lá, cảm lạnh, viêm xoang, viêm phế quản, dị ứng và hen suyễn…
Nếu không đi khám, khi bị ho, mọi người thường sẽ tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về chữa. Trường hợp không khỏi thì dùng liều cao hơn, thời gian điều trị dài hơn. Có người càng uống, càng thay nhiều loại kháng sinh lại càng ho thêm, ho dai dẳng.
Nguyên nhân là do di chứng của kháng sinh, sinh ra một lớp đờm mỏng bám vào thanh phế quản. Mỗi lần người bệnh phát cơn ho, lớp đờm mỏng đó tụt xuống, hoặc bật ra. Sau đó một thời gian, lớp đờm mỏng khác sẽ lại bám vào, khiến cho cơn ho kéo dài.
Nếu cơn ho dai dẳng, ho ra nhiều đờm, ho kèm triệu chứng bệnh thì bạn nên đi khám. Nếu chỉ là những cơn ho thông thường thì việc nghỉ ngơi và áp dụng những cách chữa không dùng thuốc sẽ có hiệu quả.
Để ngăn ngừa ho nên:
– Giữ ấm cơ thể, không để quạt, gió điều hòa thốc thẳng vào người.
– Súc miệng hằng ngày bằng nước muối nhạt.
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch (nhất là đối với phụ nữ mang thai).
– Uống nhiều nước cam, chanh tươi, ăn nhiều rau xanh để bổ sung vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.
– Tập thể dục nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon.
Các cách chữa ho không dùng thuốc có tác dụng tốt với các chứng ho thông thường. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, cần đến bác sĩ để có phương án điều trị cụ thể, nhất là với các trường hợp mang thai ở ba tháng đầu.
(Bài viết có tính chất tham khảo. Bệnh nhân cần đến bác sĩ / bệnh viện để có phương án điều trị phù hợp nhất)