Bà bầu cẩn thận với nộm đu đủ
Thai phụ 10 tuần dọa sảy. Sau khi điều trị ổn định, rà soát lại tất cả mọi lý do, thì bác sĩ dinh dưỡng cảnh báo: có thể do thai phụ ăn quá nhiều nộm đu đủ. Người nhà kể, bà mẹ trẻ chỉ nghén các loại nộm, và nộm nào cũng ¾ là đu đủ xanh bào sợi. Có ngày ăn đến bốn năm đĩa.
Mủ của quả đu đủ xanh có thể gây ra co thắt tử cung dẫn đến sảy thai. Chưa kể, nó có thể gây dị ứng: chảy nước mũi, sưng vùng miệng, phát ban da với người cơ địa dị ứng, thậm chí đã có trường hợp sốc phản vệ.
Trong ba tháng đầu thai kỳ, đây là giai đoạn bào thai mẫn cảm và dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Trong 12 tuần đầu, tim và các cơ quan chính bắt đầu hình thành, nhưng bé chưa có hệ miễn dịch riêng. Tất cả những loại thực phẩm gây co thắt tử cung như đu đủ sống, dứa (chứa bromelain, có thể làm mềm cổ tử cung, dẫn đến chuyển dạ sớm)… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai. Các hoạt động không hợp lý, sinh hoạt thiếu lành mạnh, dùng thuốc không đúng chỉ định… đều có thể ảnh hưởng ít nhiều đến em bé. Đây cũng là thời gian bé dễ bị tổn thương nhất với rượu, ma túy, các loại thuốc hay tình trạng bệnh tật, tâm sinh lý… của mẹ.
Đặc biệt, ở giai đoạn này, bà bầu không nên ham omega trong cá “cho con thông minh” mà lạm dụng thức ăn từ cá, nhất là các loại cá biển. Hiện FDA – Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cảnh báo 7 loại cá có hàm lượng thủy ngân cao gồm: cá thu Đại tây dương, cá maclin, cá cam, cá mập, cá kiếm, cá ngói (Vịnh Mexico) và cá ngừ mắt to. Ngoài ra FDA cũng lưu ý một số cá như cá chép, cá trê, cá hồi và cá rô, do các gia đình bắt được, có thể chứa một lượng thủy ngân hoặc các chất gây ô nhiễm. Tốt nhất, bà bầu nên ăn các loại hải sản ít nhiễm thủy ngân gồm: cá hồi (tự nhiên), tôm, cá tuyết, các loại cá da trơn, cá bơn, cua, nghêu… Nhưng nên nhớ, mỗi tuần cũng chỉ nên ăn 300-400gr cá (tức là 3-4 lạng một tuần, không phải một ngày nhé!)./.