6 cách để hạn chế chuột rút khi mang thai
CHUỘT RÚT KHI MANG THAI
Các bà bầu có kinh nghiệm không lạ gì với chuyện nửa đêm nửa hôm hoặc sáng dậy bị chuột rút đau đến mức không đủ sức đá cái thằng nằm bên một cái để đánh thức. Có bệnh nhân bị chuột rút nhiều quá mà chồng cứ ngáy o o kể em mấy lần điên lên suýt li dị!!!
Chuột rút có thể hành bà bầu từ tháng thứ ba của thai kỳ, có thể “rút” ở chân, tay và cả bụng. Tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm, trong những tháng cuối thì bất kể ngày đêm, nó thích lúc nào rút lúc đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút khi mang thai như:
– Trọng lượng cơ thể của mẹ ngày càng tăng, gây áp lục nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân.
– Tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chân lên tim. Đồng thời các dây thần kinh từ tủy sống đến chân các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị chèn ép.
– Thiếu canxi, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi.
– Mất nước khiến cơ thể bị rối loại điện giải gây ra tình trạng chuột rút.
Chuột rút khi mang thai thường không nguy hiểm với mẹ và thai, tuy nhiên, nếu nó biến tướng như sau, các mẹ nên cảnh giác. Có bệnh nhân hỏi tôi cảnh giác thế nào? Câu trả lời là: ĐI KHÁM NGAY! Nhớ, đi khám chứ đừng đi trục vong mà phiền!
– Trong một giờ có hơn 6 cơn co thắt.
– Các cơn đau không giảm dần.
– Xuất hiện đồng thời với cơn chóng mặt, choáng váng hoặc chảy máu.
– Co thắt đi kèm với đau bụng dữ đội và buồn nôn hoặc sốt.
Để hạn chế các cơn chuột rút, có thể làm theo những hướng dẫn sau:
1- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế. Những người làm việc tại văn phòng nên tranh thủ thời gian co duỗi bắp chân và cứ 1 tiếng thì đứng lên vận động nhẹ nhàng khoảng 5 phút.
2- Tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, tập gì cũng được: yoga, đi bơi, đi bộ… miễn là nhẹ nhàng, không quá sức. Vận động sẽ giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn.
3- Xoa bóp, massage nhẹ nhàng từ vùng đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để làm tăng quá trình lưu thông máu.
4- Gác chân lên gối khi nằm ngủ. Nên nằm nghiêng bên trái để máu lưu thông khắp cơ thể, đặc biệt là vùng bắp chân.
5- Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ.
6- Uống nhiều nước, tốt nhất nên bổ sung mỗi ngày từ 2 – 2,5 lít nước để hạn chế tình trạng mất nước.
Sau khi tham khảo 6 cách để hạn chế chuột rút khi mang thai chúc các bà bầu một thai kỳ thoải mái và khỏe mạnh hơn. Chuột rút khi mang thai là dấu hiệu bình thường mà hầu hết bà bầu đều gặp phải, tuy nhiên nếu chuột rút đi kèm những triệu chứng bất thường như đau, sưng đỏ ở chân, chạm vào chân có cảm giác nóng xung quanh… Bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có được những lời khuyên cụ thể./.