5 Xét nghiệm quan trọng khi mang thai
TẠI SAO PHẢI XÉT NGHIỆM NHIỀU THẾ?
Các bệnh nhân mới mang thai lần đầu thường hỏi câu này khi thấy yêu cầu xét nghiệm máu của bác sĩ. Sao em phải xét nghiệm nhiều thế, cái này là gì và cái kia để làm gì, nếu không xét nghiệm thì có làm sao không? Xin trả lời chung như sau:
Những xét nghiệm máu mà chúng tôi yêu cầu bệnh nhân làm ít nhiều liên quan đến tiền sử bệnh và những nguy cơ trong thai kỳ. Đối với những trường hợp vô sinh, hiếm muộn hoặc nghi ngờ thai dị tật thì một số xét nghiệm là bắt buộc. Đây là những chỉ định xét nghiệm thông thường:
1. Nhóm máu (người nhà tôi mổ hai lần vẫn ngơ ngác hỏi: ô, thế tao là nhóm máu gì? Cũng vị người nhà này nằng nặc đòi làm một cái xét nghiệm máu tổng thể, in ra thẻ cứng, rồi cứ vào viện là đeo lủng lẳng ở cổ: cho nhanh, nhỡ cấp cứu thì tiết kiệm bao nhiêu thời gian làm xét nghiệm)!
Những người sắp phải liên quan đến sinh nở (dù là sinh thường hay sinh mổ) đều cần được kiểm tra nhóm máu, phòng trường hợp cần truyền máu khi sinh. Con người có bốn nhóm máu, trong đó nhóm máu O là phổ biến nhất: nhóm máu A, B và AB ít phổ biến hơn.

2. Yếu tố Rh: để xác định bệnh nhân âm tính hay dương tính với Rh. Ở Việt Nam, đa số mọi người có nhóm máu Rh dương. Trong sản khoa: Nếu người mẹ âm tính với Rh (Rh-), trong khi người chồng dương tính với Rh (Rh+) thì mẹ bắt buộc phải theo dõi đặc biệt, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lần sinh nở sau.
Có 4 trường hợp thường thấy về Rh như sau:
– Người mẹ (Rh+), người bố (Rh+), con (Rh+): bình thường.
– Người mẹ (Rh-), người bố (Rh-), con (Rh-): bình thường.
– Người mẹ (Rh+), người bố (Rh-), con (Rh+ hoặc Rh-): bình thường.
– Người mẹ (Rh-), người bố (Rh+), con (Rh+ hoặc Rh-): cần tiêm miễn dịch globulin.
3. Rubella: Tốt nhất người mẹ phải tiêm phòng Rubella trước khi mang bầu. Đây là yêu cầu bắt buộc của tôi đối với bệnh nhân khám tiền sản. Hầu như năm nào cũng có những bà mẹ phải bỏ thai vì mắc Rubella trong khi mang bầu. Nếu mẹ mắc Rubella, có thể gây nhiễm trùng bào thai khiến bé có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thị giác, thính giác, bệnh tim mạch, hẹp động mạch phổi, chậm phát triển…
4. Xét nghiệm đường huyết: nhằm tầm soát bệnh tiểu đường trong thai kỳ nhất là đối với những trường hợp có nguy cơ cao như: tăng cân quá nhiều, nhà có bố hoặc mẹ bị bệnh tiểu đường… Tiểu đường thai kỳ nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể giảm nguy cơ biến chứng sản khoa cho cả mẹ và bé.
5. Viêm gan B: Người mẹ có thể mang virus viêm gan B mà không biết. Nếu mẹ bị bệnh này thì khả năng lớn sẽ lây bệnh cho con. Bé nhiễm virus viêm gan B từ mẹ phải được tiêm phòng càng sớm càng tốt ngay sau khi chào đời./.